Không như gạo trắng, một số loại ngũ cốc khác không chỉ có giá trị về mặt dinh dưỡng mà còn là món ăn bài thuốc rất tốt cho người bị đái tháo đường.
Đa số bệnh nhân đái tháo đường khi đi khám bệnh thường được các bác sĩ khuyên không nên ăn nhiều gạo trắng, vì gạo trắng là một trong những thực phẩm gây bất lợi cho sức khỏe người bị đái tháo đường khi nó làm tăng chỉ số đường huyết.
Từ lời khuyên đó, nhiều bệnh nhân đái tháo đường sinh ra tâm lý e ngại ăn ngũ cốc vì cho là chúng có thể làm bệnh mình nặng hơn như gạo trắng. Nhưng kỳ thực, đó lại là quan niệm sai lầm trong ăn uống.
Trăm sự chỉ vì hiểu lầm.
Là tiểu thương bán thịt lợn ở chợ nên hầu như bữa cơm nào của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, 45 tuổi cũng có món thịt lợn. Đã thế, cả vợ chồng con cái nhà chị lại có thói quen ăn ít rau xanh nên trong bữa cơm, ngoài hai món bất di bất dịch là cơm gạo trắng và thịt lợn thì cá, rau xanh lâu lâu mới xuất hiện.
Dù được người thân và bạn bè cảnh báo chế độ ăn thiếu lành mạnh đó, nhưng nhìn 2 thằng con cứ cao lớn từng ngày và sức khỏe 2 vợ chồng chị Hằng vẫn ổn, nên chị để ngoài tai mọi lời khuyên.
Nhưng cách đây 5 tháng khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ cùng với cơ quan chồng, chị Hằng mới phát hiện mình đang bị đái tháo đường. Tuy bệnh tình của chị mới ở giai đoạn đầu nhưng bác sĩ đã khuyến cáo chị rất kỹ về việc tuân thủ thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh. Theo đó thì chị phải năng đi bộ để giảm cân, phải hạn chế ăn thịt và các món ăn nhiều đường và cơm gạo trắng.
Suy nhược cơ thể vì nghĩ ăn kiêng quá mức.
(Ảnh minh họa: Internet)
Nghe theo lời bác sĩ, chị Hằng tuân thủ rất nghiêm ngặt chế độ sinh hoạt và ăn uống. Buổi sáng, vì bận buôn bán không đi bộ được thì chị chuyển sang đi vào buổi tối. Ngày trước ít ăn rau củ thì nay rau củ xuất hiện đều đều trong 3 bữa ăn nhà chị. Khẩu phần thịt lợn trong bữa cơm gia đình cũng bị chị cắt giảm hơn nữa và bù vào đó là cá đồng, cá biển.
Và đặc biệt, để giữ chỉ số đường huyết không tăng chị Hằng rất hạn chế ăn cơm gạo trắng. Cả ngày chị chỉ ăn độc 1 bát và tuyệt đối không đụng đến bất cứ món ăn nào được chế biến từ một số loại ngũ cốc thông dụng như gạo nếp, ngô, khoai, sắn… vì nghĩ rằng ngũ cốc sẽ làm bệnh nặng hơn.
Duy trì chế độ dinh dưỡng thiếu ngũ cốc như thế được hơn 4 tháng chỉ số đường huyết của chị Hằng dần ổn định nhưng cơ thể chị lại ngấp nghé bờ… suy nhược. Chưa kịp vui mừng vì chỉ số đường huyết ổn định, chị Hằng lại phải đối diện với mối lo khác cho sức khỏe bản thân.
Từ 60kg, trọng lượng chị giảm xuống mức 48kg. Da dẻ chị Hằng cũng không còn hồng hào như trước mà xạm đen trong khi người lúc nào cũng cảm thấy chống chếnh và yếu ớt. Ngày trước mỗi tối chị đi bộ hơn 30 phút chưa thấy mệt nhưng giờ đi chưa được 20 phút đã choáng.
Mong sớm thoát khỏi tình trạng mệt mỏi kéo dài đó, chị Hằng đã đi khám và được bác sĩ cho biết đấy là những biểu hiện của chứng suy nhược cơ thể do chị nhịn ăn quá đà.
Bác sĩ điều trị đã chấn chỉnh ngay quan niệm cho rằng ngũ cốc không tốt cho bệnh đái tháo đường của chị Hằng vì đâu phải loại ngũ cốc nào cũng làm tăng đường huyết. Bác sĩ điều trị đã khuyên chị Hằng nên bù đắp thêm lượng thức ăn từ ngũ cốc nguyên vỏ vào khẩu phần để cơ thể được khỏe mạnh.
Hóa giải hiểu lầm.
Nói về lời khuyên ăn ít gạo trắng của các bác sỹ dành cho bệnh nhân đái tháo đường, BS. Bùi Minh Đức (Khoa Nội tiết, Bệnh viện VIMEC) cho biết: Sở dĩ các bác sỹ hay khuyên bệnh nhân đái tháo đường hạn chế ăn gạo trắng là vì gạo trắng ít chất xơ và chứa nhiều đường gluco nên dễ làm đường huyết tăng nhanh. Nhưng chớ vì thế mà mọi người đánh đồng tất cả ngũ cốc đều giống gạo trắng.
Gạo trắng chứa nhiều đường gluco nên không tốt cho người tiểu đường.
(Ảnh minh họa: Internet)
Vì cũng thuộc họ ngũ cốc nhưng các loại như gạo lứt, các loại đậu còn nguyên vỏ… lại có công dụng khá tốt với bệnh nhân đái tháo đường vì chúng thuộc loại ngũ cốc giàu chất xơ.
Mới đây hãng tin Reuters vừa công bố kết quả nghiên cứu của các khoa học tiến hành trên 9.702 nam giới và 15.365 phụ nữ tuổi từ 35-65 trong suốt 7 năm.
Các nhà khoa học đã chia số người tham gia làm 5 nhóm dựa trên việc sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ từ ngũ cốc. Các nhà khoa học thấy rằng nhóm ăn nhiều ngũ cốc giàu chất xơ nhất (trung bình 17g/ngày) giảm được 27% nguy cơ bị đái tháo đường týp 2 so với nhóm ăn ít nhất (7g/ngày).
Từ kết quả trên, các nhà khoa học kết luận ngũ cốc giàu chất xơ sẽ ít năng lượng nhưng lại tạo cảm giác no giúp người ăn kiêng giảm cảm giác thèm ăn đồng thời chúng còn ngăn cản cơ thể hấp thu các chất béo do đó hỗ trợ việc giảm cân đối với người bị béo phì.
Ngoài ra, chất xơ trong ngũ cốc còn có tác dụng làm giảm cholesterol có hại và tăng cholesterol có lợi cho cơ thể người ăn. Vì vậy khẩu phần ăn nhiều ngũ cốc giàu chất xơ sẽ giúp người bị đái tháo đường giảm lượng cholesterol trong máu giúp đường huyết ổn định.
Ngũ cốc nhiều chất xơ có thể là giải pháp tốt cho người bị tiểu đường.
(Ảnh minh họa: Internet)
Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường có thể thay cơm gạo trắng bằng các chế phẩm từ ngũ cốc giàu chất xơ. Tốt nhất là ăn ngũ cốc nguyên hạt hoặc xay sát không kỹ như vậy sẽ giữ lại chất xơ và đỡ bị mất vitamin. Những carbohydrat phức hợp trong các loại ngũ cốc giàu chất xơ như gạo lức, hạt ngô, các loại đậu còn nguyên lớp vỏ lụa bên ngoài vừa giúp điều hòa sự hấp thu chất đường vừa tăng cường sự chuyển hóa chất béo.
BS. Bùi Minh Đức cũng cho biết cùng với những chất xơ trong ngũ cốc thì chất xơ trong rau, quả, củ cũng góp phần điều tiết để ngăn chặn hiện tượng tăng vọt đường huyết sau bữa ăn. Chính những đợt dao động đường huyết xảy ra thường xuyên do ăn nhiều đồ ngọt hoặc thực phẩm tinh lọc sẽ kéo theo hệ quả làm tăng những đáp ứng stress và làm giảm độ nhạy đối với insulin nơi ngưòi bệnh.
Do đó, ngoài việc ít ăn đồ ngọt, giảm bớt các loại cơm trắng, bún, phở, bánh mì trắng… người bệnh nên tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt và rau củ. Đây cũng chính là thói quen có ý nghĩa nhất trong chế độ dinh dưỡng phòng chống đái tháo đường.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét