Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Lối sống làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người Châu Á.

Số người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam nói riêng và ở Châu Á nói chung đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Tiểu đường thậm chí "tấn công" cả trẻ em. Nạn nhân trẻ nhất ở Việt Nam hiện mới 11 tuổi. Tại Nhật có trẻ 9 tuổi đã bị tiểu đường. Còn ở Singapore, “dịch” tiểu đường type 2 ở trẻ em khiến chính phủ phải tiến hành chiến dịch vận động mang tên “Mạnh và khỏe”.
“Trẻ em đang mắc phải một căn bệnh mà trước đây chỉ có ông bà hoặc cha mẹ chúng mắc”, Anil Kapur, phó chủ tịch Quỹ Tiểu đường Thế giới (WDF) nhận xét tại hội nghị thượng đỉnh về căn bệnh này ở Hà Nội.
Ở châu Á, tiểu đường đang bùng nổ với tốc độ nhanh chóng hơn bất kỳ châu lục nào khác trên thế giới, và vượt quá mọi dự đoán của các chuyên gia.
Tổ chức Y tế thế giới WHO dự đoán số ca mắc bệnh tiểu đường ở châu Á sẽ tăng 90% trong vòng 20 năm tới. Căn bệnh cũng những rối loạn trong cơ thể mà nó gây ra sẽ trở thành khủng hoảng nghiêm trọng nhất đối với con người trong thế kỷ 21.
“Khoảng 330 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trong vòng 20 năm tới. Sẽ kinh khủng hơn AIDS hay cúm gà”, Paul Zimmet, giám đốc Viện nghiên cứu tiểu đường quốc tế ở bang Victoria, Australia, nói.
Châu Á đang là nơi có nhiều ca mới nhất. Đây là nơi có 4 trong số 5 nước có đông đảo bệnh nhân nhiễm tiểu đường nhất thế giới: Ấn Độ 33 triệu ca, Trung Quốc 23 triệu, Pakistan 9 triệu và Nhật Bản 7 triệu người mắc.
số người bị tiểu đường ngày càng tăng
Ở châu Á, số người bị tiểu đường ngày càng tăng
(Ảnh minh họa: Internet)

Lối sống làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Một phần nguyên nhân gây tiểu đường là do gen. Nhưng lối sống, thói quen ăn uống và vận động mới chính là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ tiểu đường ở châu Á hiện nay.
“Trong mười năm qua ở Hà Nội, người ta đã đổi từ đi xe đạp sang xe máy, và số ca bệnh tiểu đường tăng gấp đôi”, tiến sĩ Gauden Galea, cố vấn của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về các bệnh không lây qua hô hấp, cho biết.
Thói quen ăn uống của người dân khu vực thay đổi chóng vánh, ngày càng nhiều người ăn đồ ăn nhanh và thức ăn không có lợi cho sức khỏe. Thức ăn được nấu ở các cửa hàng thường chứa nhiều calorie hơn đồ chế biến tại gia.
Chẳng hạn, nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy phở gà bán ở cửa hàng chứa nhiều hơn 23% calorie so với phở nấu ở nhà. Còn tại New Delhi, nơi mà cứ 6 trẻ có một đứa bị béo phì, tỷ lệ người lớn đi ăn tiệm lên đến 3 lần mỗi tuần, ông Kapur cho hay.
Ở những thành phố lớn của Trung Quốc, khoảng 20% trẻ 7 tuổi trở lên bị béo phì và thừa cân.
Quỹ tiểu đường thế giới, hỗ trợ các dự án phòng chống tiểu đường ở khu vực, đang tích cực hoạt động để ngăn chặn hai hậu quả nghiêm trọng nhất của căn bệnh này – mất tay chân hoặc mù.
Các bác sĩ cảnh báo rằng phần lớn người châu Á không chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ của tiểu đường, căn bệnh được dự đoán là có thể đưa hàng loạt bệnh nhân vào làm chật ních các bệnh viện trong tương lai, đồng thời làm cạn kiệt ngân sách của ngành y tế.
“Nhiều bệnh viện ở Ấn Độ đã bắt đầu cảm thấy sức ép từ nguy cơ này”, ông Mohan cho biết, và thêm rằng các chính phủ ở châu Á cần hành động ngay từ bây giờ.
“Nếu không, trong vòng 10 đến 15 năm nữa, chúng ta sẽ thấy hàng triệu người phải dùng xe lăn, chạy thận nhân tạo và điều trị bằng laser”.
Nguồn: Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét