Chứng tiểu đêm nhiều lần có thể là biểu hiện bệnh lý của nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, với người bị bệnh tiểu đường có thể là do thận một trong những biến chứng của người bệnh tiểu đường.
Tại sao phải coi trọng việc điều trị chứng tiểu đêm nhiều ở người tiểu đường?
Chúng ta đã biết, những biến đổi bệnh lý ở mạch máu nhỏ của thận sẽ dẫn đến chứng đi tiểu đêm nhiều lần, đã có nghiên cứu chứng minh rằng trước khi có những biến đổi mô học ở mạch máu nhỏ của thận thì đã có thể xuất hiện sự biến đổi chức năng, vì thế người mắc bệnh tiểu đường có thể vẫn bị mắc chứng đi tiểu nhiều lần vào ban đêm ngay cả trước khi xuất hiện những triệu chứng điển hình của bệnh thận như phù thũng và cao huyết áp. Vì vậy, chứng đi tiểu nhiều lần vào ban đêm có thể coi là triệu chứng cảnh báo về thay đổi bệnh lý của thận. Lúc này cần nhanh chóng tích cực điều trị để làm chậm lại sự xuất hiện những biến chứng của bệnh thận.
Ngoài ra, cùng với chứng đi tiểu với lượng tiểu nhiều thì số lần đi tiểu cũng tăng lên, bệnh nhân nhẹ là 2-3 lần một đêm, nặng thì có thể lên tới trên 10 lần một đêm khiến cho người bệnh ngủ không đủ giấc, tinh lực giảm sút, chán ăn, trong người bứt rứt khó chịu, tinh thần ủ rũ; đây có thể là nguyên nhân dẫn đến lượng đường huyết tăng cao khó có thể khống chế được. Vì vậy, người bệnh cần coi trọng những triệu chứng lâm sàng này để có biện pháp điều trị tích cực.
Người bị tiểu đường cần chú ý chứng tiểu đêm nhiều.
Khi xuất hiện triệu chứng tiểu đêm nhiều, người bệnh tiểu đường có thể được kiểm tra áp lực thẩm thấu nước tiểu sau 12 tiếng nhịn uống, tỉ trọng nước tiểu, lượng đường trong nước tiểu, lượng nước tiểu (so sánh giữa ban ngày và ban đêm) và CCr. Ngoài ra, tỉ lệ thanh trừ creatinin, tiêu chí về anbumin trong mạch máu nhỏ của thận như a1-MG, b2-MG và NAG cũng cần được tham khảo và cũng được coi là tiêu chuẩn đánh giá việc điều trị có hiệu quả.
Người mắc chứng tiểu đêm nhiều cần chú ý những gì trong sinh hoạt và sử dụng thuốc?
Người bệnh nên tránh xa những nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều như uống trà, cà phê hoặc uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ. Do người bị đái tháo đường, bị phù do bị bệnh thận thường phải uống thuốc lợi tiểu, vì thế nên uống thuốc 1 lần vào buổi sáng khi ngủ dậy, không nên uống vào buổi chiều hoặc buổi tối. Thuốc chữa chứng táo bón lại nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ giúp bệnh nhân có thể có thói quen đi đại tiện một lần vào buổi sáng khi ngủ dậy.
Việc truyền nước tĩnh mạch cũng hết sức tránh làm vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ; thuốc an thần và thuốc bắc cũng nên sử dụng ở mức độ hợp lý để cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người bệnh; khi cần thiết có thể điều trị kết hợp với thuốc an thần chống lo lắng, mệt mỏi.
Theo: suckhoevietnam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét