Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị bệnh tiểu đường, hơn 60% chưa được chẩn đoán. Lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý là nguyên nhân gây bệnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thy Khuê, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, cứ 10 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh thì 6 người đã có biến chứng như mù lòa, loét bàn chân, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, tổn thương thận... Thiếu kiến thức về bệnh cùng với việc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và thuốc thiết yếu là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các biến chứng tiểu đường nguy hiểm trên.
Bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng ở nước ta.
(Ảnh minh họa: Internet)
Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, năm 2013 có 382 triệu người mắc bệnh, khiến 5,1 triệu người tử vong. Tổn thất cho các chi phí về chăm sóc sức khỏe khoảng 548 triệu USD Mỹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đái tháo đường có thể trở thành nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới vào năm 2030. Dự đoán trong 25 năm tới, sẽ có khoảng 592 triệu người mắc bệnh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh trên toàn quốc gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa. Năm 2011, chỉ có 3,2% người mắc bệnh và năm 2013 con số này là 5,8%. Riêng tại một số vùng đô thị như TP HCM, tỷ lệ bệnh đã lên đến 11%.
Theo phó giáo sư Khuê, đây là kết quả của sự chuyển đổi nhanh chóng lối sống theo hướng đô thị hóa, ít vận động, chế độ ăn không hợp lý... Những yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường là thừa cân, tăng huyết áp, tuổi cao, ít luyện tập thể dục, người có cha mẹ, anh chị em mắc bệnh, phụ nữ mang thai... Việc khám sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm bệnh sẽ giúp tăng cường hiệu quả điều trị, ngăn ngừa biến chứng.
Nguồn: VN express
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét