Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Kiểm soát stress trong điều trị đái tháo đường

Ở những bệnh nhân đái tháo đường, yêu cầu phải ổn định đường huyết và sự ám ảnh bởi những biến chứng của căn bệnh khiến họ dễ bị tác động hơn bởi những yếu tố gây stress.


Stress đối với bệnh nhân đái tháo đường, loại stress đặc thù.

Có sự liên quan chặt chẻ giữa tình trạng tâm lý và sức khoẻ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy stress liên quan đến nhiều căn bệnh khác nhau từ các chứng cảm cúm thông thường đến các loại bệnh tim mạch. Tuy nhiên, theo Giáo sư William H. Polonski, Chủ Tịch Viện Nghiên Cứu Đái Tháo Đường ở Mỹ, “những ngưòi bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường phải chịu đựng stress, loại stress đặc thù của bệnh ĐTĐ.” Hiện nay, có khoảng gần 2/3 người ĐTĐ loại 2 không biết mình có bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị trễ làm tăng nguy cơ xảy ra những biến chứng ở tim, não, thận và mắt kể cả hoại thư ở các chi. Ngoài những căng thẳng thường ngày do cuộc sống mang lại, người ĐTĐ luôn canh cánh nổi lo phải ổn định đưòng huyết và dễ bị ảm ảnh bởi những biến chứng nguy hiểm, kể cả tàn phế do căn bệnh gây ra.

Stress và đường huyết.

Nghiên cứu ở trường Đại học Georgetown cho thấy stress không chỉ ảnh hưởng đến hành vi khiến người bệnh khó kiểm soát việc ăn uống mà còn có hệ quả phát triển lượng mỡ nhiều hơn so với người bình thường dù với cùng một lượng calori ăn vào. Riêng đối với người ĐTĐ, những căng thẳng tâm lý tác động xấu đến đường huyết theo 2 cách. Trước hết, stress ảnh hưởng đến hành vi khiến người bệnh khó kiểm soát được thói quen ăn uống dẫn đễn việc ăn uống những thực phẩm kém lành mạnh hoặc khó chế ngự những tật xấu như uống rượu, cà phê, hút thuốc và ngại tập thể dục. Thứ hai, stress kích hoạt những đáp ứng “chống trả hoặc bỏ chạy”, huy động năng lượng từ nguồn đường dự trữ để đối phó với hiểm nguy. Tuy nhiên, trong những stress tâm lý, không những không có hành động đối phó xảy ra nhưng insulin lại không đủ khả năng chuyển đường vào tế bào khiến đường huyết dễ có khuynh hướng tăng cao.

Nghiên cứu về kiểm soát stress trong bệnh ĐTĐ.

Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học trưòng Đại học Duke đã cho biết những biện pháp kiểm soát stress có thể giúp ổn định đưòng huyết trong những bệnh nhân ĐTĐ. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát đánh giá mức độ stress, chế độ ăn uống, hàm lượng HbA1c trong máu, yếu tố phản ảnh tình trạng đường huyết của người ĐTĐ, trong thời gian 1 năm. Trong nghiên cứu nầy, 100 người bệnh ĐTĐ được chọn lựa ngẩu nhiên và được phân thành 2 nhóm. Nhóm A được tập luyện kiểm soát stress và nhóm B chỉ được giải thích và giáo dục chung về ĐTĐ. Nhóm B được giải thích những thông tin cơ bản về ĐTĐ, sự nguy hiểm và các biến chứng cũng như cách ăn uống phòng chống bệnh. Nhóm A được huấn luyện về cách nhận thức những yếu tố gây stress trong cuộc sống, và những biện pháp để giảm bớt stress như thư giãn, quán tưởng, thở sâu. Ở cuối các tháng thứ 2, tháng 4, tháng 6 và tháng 12 của cuộc thử nghiệm, những người tham gia được xác định lại mức độ stress và lượng HbA1c.

Tỷ lệ nhỏ, hiệu quả lớn.

Sau 6 tháng, lượng trung bình của HbA1c của cả 2 nhóm đều giảm xuống. Điều nầy cho thấy có sự cải thiện đường huyết ở cả 2 nhóm. Tuy nhiên sau 12 tháng, kết quả đã cho thấy có sự khác biệt giữa 2 nhóm, khoảng 0,5% tốt hơn ở nhóm được kiểm soát stress so với nhóm kia. Được biết, 1 nghiên cứu trước đó của Giáo sư Richard Surwit, Giáo sư Tâm lý học thuộc Trung Tâm Y Tế trường Đại học Duke cũng cho thấy thực hành kiểm soát stress làm giảm 0.75% lượng HbA1c ở những đối tượng nầy. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tuy nhỏ nhưng đủ để mang lại hiệu quả rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ xảy ra những biến chứng về mạch máu ở tim, thận hoặc ở mắt trong bệnh ĐTĐ.

Nói chung, những khó khăn trong cuốc sống hàng ngày và cả những lo lắng về những biến chứng nguy hiểm thường xảy ra ở căn bệnh nầy là 1 nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc chữa trị. Stress không chỉ tác động đến hành vi mà cả hoạt động chuyển hoá. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ 1 chế độ ăn uống thích hợp, người ĐTĐ nên thực hành một số bài tập thư giãn, thở sâu hoặc ngồi thiền để kiểm soát stress. Ngoài ra, vận động hợp lý và đều đặn hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát thể trọng, tăng độ nhạy của tế bào đối với insulin mà cũng là một biện pháp đơn giản để giải toả stress.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét